Đóng BHXH tự nguyện có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Trợ cấp thất nghiệp là khoản thanh toán được thực hiện bởi các cơ quan thẩm quyền dành cho những người thất nghiệp. Nhiều người lao động đã trích một phần thu nhập để tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và phòng khi không có việc làm có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, điều này có đúng theo quy định của luật BHXH mới nhất không? Việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Bài viết sau đây sẽ làm rõ thắc mắc trên giúp quý bạn đọc.

1. Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 giải thích: Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Khoản 1 Điều 8 Quyết định 595/QĐ-BHXH có nêu rõ các trường hợp tham gia BHXH tự nguyện gồm:

– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01/01/2018;

– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01/01/2018 trở đi;

– Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;

– Người lao động giúp việc gia đình;

– Người tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

– Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

– Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

– Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu;

– Người tham gia khác.

Lưu ý: Những đối tượng nêu trên phải là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định

Có thể thấy, pháp luật đã quy định rõ những chế độ mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng đó là chế độ hưu trí và tử tuất mà không hề đề cập tới chế độ trợ cấp thất nghiệp.

2. Trợ cấp thất nghiệp chỉ có khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Điều 42 Luật Việc làm 2013 liệt kê các chế độ bảo hiểm thất nghiệp như sau:

– Trợ cấp thất nghiệp;

– Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;

– Hỗ trợ học nghề;

– Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tham gia bảo hiểm thất nghiệp để hưởng các chế độ này. Theo quy định tại Điều 43, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:

– Người lao động làm việc theo: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 – 12 tháng. 

Những thủ tục cần nắm rõ khi hoàn thuế TNCN 

Hóa đơn giấy được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử có cần đóng dấu?

– Người sử dụng lao động: Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động…

Với những quy định nêu trên, có thể thấy, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động. Đây cũng chính là những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Do đó, những lao động còn lại – người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Chính vì vậy, họ không được nhận trợ cấp thất nghiệp khi đóng BHXH tự nguyện.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *